Định nghĩa Bột màu lam Ai Cập

Pyxis có màu "lam Ai Cập". Nhập khẩu từ miền bắc Syria vào Italia, được sản xuất khoảng 750-700 TCN. Trưng bày tại Bảo tàng AltesBerlin.

Bột màu lam Ai Cập là một bột màu xanh lam tổng hợp, được tạo ra từ hỗn hợp của silica, vôi, đồng và một chất kiềm. Màu sắc của nó là do canxi-đồng tetrasilicat CaCuSi4O10 có cùng thành phần như khoáng vật cuprorivait tự nhiên.[1] Nó được tổng hợp lần đầu tiên ở Ai Cập trong thời kỳ Vương triều thứ Tư và được sử dụng rộng rãi cho đến cuối thời kỳ La Mã ở châu Âu,[1] sau đó việc sử dụng nó đã suy giảm đáng kể.[3]

Thuật ngữ để chỉ bột màu lam Ai Cập trong tiếng Ai Cập là ḫsbḏ-ỉrjt, nghĩa là lapis lazuli (ḫsbḏ) nhân tạo.[4] Nó được sử dụng trong thời cổ đại như một bột màu xanh lam để tạo màu cho nhiều loại vật liệu khác nhau như đá, gỗ, thạch cao, giấy cói và vải bạt, và trong sản xuất nhiều đồ vật, bao gồm ấn tín hình trụ, chuỗi hạt, trang sức hình bọ hung, đồ khảm, chậu và tượng. Đôi khi, trong các tài liệu Ai Cập học nó được gọi là frit lam. Một số người cho rằng đây là một thuật ngữ sai lầm và frit nên được dành để sử dụng để mô tả giai đoạn đầu của sản xuất thủy tinh hoặc men gốm,[5] trong khi những người khác cho rằng bột màu lam Ai Cập là một loại frit ở cả dạng mịn và dạng thô vì nó là sản phẩm của phản ứng trạng thái rắn.[6] Màu xanh lam đặc trưng của nó, tạo ra từ một trong những thành phần chính của nó là đồng, dao động từ sắc nhạt tới sẫm, tùy thuộc vào chế biến và thành phần khác biệt.

Ngoài Ai Cập, nó cũng được tìm thấy ở Cận Đông, miền đông Địa Trung Hải và trong phạm vi Đế quốc La Mã. Người ta vẫn chưa rõ là sự tồn tại của bột màu này ở những nơi khác là kết quả của phát minh song song hay là bằng chứng về sự phổ biến công nghệ từ Ai Cập đến những khu vực đó.